Bối cảnh Vụ sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn

Tập đoàn Phúc Sơn

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn – tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập vào ngày 6 tháng 01 năm 2004 và từng được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn vào năm 2009. Sau đó, công ty này đổi lại tên gọi hiện nay vào năm 2010. Trên trang web chính thức, công ty này tự nhận mình là "một trong những công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản hàng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh phía Bắc". Doanh nghiệp này cũng đã từng là nhà thầu chính trong việc tu sửa Di tích lịch sử Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Doanh nghiệp cũng từng tham gia nhiều dự án dân dụng tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội, Khánh Hòa...[1] Doanh nghiệp cũng từng có một dự án lớn nhất từng xây dựng tại Đường bờ Nam sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên tới 999 tỷ đồng.[2] Đến năm 2015, công ty đã mở rộng phạm vi hoạt động kéo dài từ Bắc vào Nam.[3]

Tháng 10 năm 2015, dự án Công viên nghĩa trang Thiên An Viên ở Vĩnh Phúc được quy hoạch xây dựng thành công viên nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á của Tập đoàn Phúc Sơn đã bị dừng triển khai do không được phê duyệt quy hoạch. Dự án chợ đầu mối Vĩnh Tưởng do thành viên của Tập đoàn Phúc Sơn tham gia cũng từng có nhiều bê bối.[4] Đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn đã có 21 dự án với tổng đầu tư 40.000 tỷ đồng khắp cả nước.[3]

Chiến dịch đốt lò

Bài chi tiết: Chiến dịch đốt lò

Bắt đầu từ những năm 2020, chính quyền Việt Nam bắt đầu gia tăng triệt phá nhiều tổ chức tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế và buôn lậu. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được phơi bày như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Công ty AIC... Nhiều vụ sai phạm còn liên quan đến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như một phần trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.[5] Chiến dịch này được gia tăng mạnh mẽ hơn trong vòng 2 năm qua. Có cáo buộc cho rằng nó đang được sử dụng cho mục đích chính trị nhằm tranh giành quyền lực nội bộ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu phủ nhận cáo buộc này.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn https://www.sggp.org.vn/share728234.html https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tap-doan-phuc-s... https://znews.vn/znews-post1462096.html https://congan.kontum.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-t... https://vietnamnet.vn/hien-trang-du-an-bt-o-nha-tr... https://vietnamnet.vn/chu-tich-tap-doan-phuc-son-v... https://laodong.vn/photo/khu-do-thi-trong-san-bay-... https://laodong.vn/phap-luat/cong-an-dieu-tra-tap-... https://laodong.vn/bat-dong-san/khanh-hoa-truy-thu... https://laodong.vn/kinh-doanh/loat-du-an-bt-cua-ta...